14 triệu USD cho bản quyền World Cup 2026: Bài toán khó cho nhà đài Việt

Nhịp Sống 365 – Thanh toán tới 14 triệu USD cho gói bản quyền truyền hình World Cup 2026 tại Việt Nam khiến nhiều đơn vị truyền thông rơi vào thế khó. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đài nào chính thức nhập cuộc đàm phán.

Chỉ còn một năm nữa, vòng chung kết World Cup 2026 sẽ chính thức khai màn tại ba quốc gia chủ nhà là Mỹ, Canada và Mexico. Tuy nhiên, người hâm mộ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không thể theo dõi trực tiếp giải đấu trên sóng truyền hình do mức giá bản quyền được rao bán quá cao.

Quảng Cáo

Theo nguồn tin từ giới truyền thông, đối tác được FIFA ủy quyền phân phối bản quyền tại Việt Nam đã chào giá 14 triệu USD (hơn 365 tỷ đồng, chưa gồm thuế và phụ phí kỹ thuật) cho gói phát sóng World Cup 2026. Nếu cộng thêm các chi phí phát sinh, con số có thể chạm mốc 15 triệu USD.

Mức giá “khủng” này khiến các nhà đài và đơn vị truyền thông tại Việt Nam chưa mặn mà nhập cuộc. Một chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền chia sẻ, lý do giá tăng là do sức hút ngày càng lớn của World Cup, đặc biệt khi giải năm nay mở rộng quy mô từ 32 lên 48 đội, kéo theo số trận đấu tăng mạnh.

Tuy nhiên, bối cảnh tài chính hiện nay đang là rào cản lớn. “Không đơn vị nào có thể liều lĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng khi áp lực quảng cáo không còn hấp dẫn như trước”, chuyên gia này nhận định.

Quảng Cáo

Ngoài ra, yếu tố thương mại cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Các đài truyền hình vừa phải tính đến khả năng thu hồi vốn, vừa phải đảm bảo phục vụ nhu cầu tinh thần cho hàng triệu khán giả yêu bóng đá trên cả nước.

Hiện tại vẫn chưa có đơn vị nào tại Việt Nam có ý định mua bản quyền truyền hình World Cup 2026.
Hiện tại vẫn chưa có đơn vị nào tại Việt Nam có ý định mua bản quyền truyền hình World Cup 2026.

Tình trạng này từng diễn ra vào năm 2018, khi thương vụ bản quyền World Cup cũng chỉ được chốt sát nút trước giờ G. Tuy vậy, khả năng một đơn vị độc lập đủ tiềm lực để “gánh” toàn bộ chi phí hiện gần như không khả thi.

Trong bối cảnh đó, việc liên kết giữa các đài truyền hình và doanh nghiệp để cùng chia sẻ chi phí có thể là lời giải phù hợp. Tuy nhiên, để phương án này khả thi, cần có một đơn vị đầu mối đứng ra đàm phán, sau đó phân phối lại nội dung phát sóng cho các bên liên quan.

Ngoài ra, chuyên gia trong ngành đề xuất, Nhà nước có thể cân nhắc các chính sách hỗ trợ, hoặc khuyến khích doanh nghiệp lớn cùng tham gia như một hành động vì cộng đồng – tương tự các thương vụ mang ý nghĩa xã hội khác.

World Cup từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Do đó, việc để khán giả trong nước có thể theo dõi trọn vẹn giải đấu là điều mà nhiều người kỳ vọng.

Tuy nhiên, với mức giá bản quyền hiện tại, hành trình đưa World Cup 2026 đến gần hơn với khán giả Việt sẽ là một bài toán không dễ giải – cần sự vào cuộc của cả truyền thông, doanh nghiệp lẫn chính sách từ phía cơ quan chức năng.

Thanh Huế

Quảng Cáo