Nhịp Sống 365 – Sau hàng loạt vụ sụt lún nghiêm trọng tại xã Kim Lư (huyện Na Rì), mới đây, một “hố tử thần” khác tiếp tục hình thành gần khu vực đường vào Vườn Quốc gia Ba Bể, làm dấy lên lo ngại về hiện tượng địa chất bất thường tại tỉnh miền núi này.
Vị trí mới phát hiện cách khu vực từng ghi nhận nhiều “hố tử thần” ở xã Kim Lư khoảng 50 km. Trước đó, từ cuối tháng 3/2025, xã Kim Lư đã liên tiếp xuất hiện 7 hố sụt sâu, đe dọa an toàn của 21 hộ dân và ảnh hưởng tới hơn 12 ha đất nông nghiệp. Trước tình hình khẩn cấp, ngày 14/5, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành quyết định ứng phó khẩn cấp với hiện tượng sụt lún đất.
Quảng Cáo
Vào tối 27/5, một người đàn ông điều khiển xe máy đã lao vào rào chắn cảnh báo khu vực sụt lún trên tuyến Quốc lộ 3B, đoạn qua xã Kim Lư. Nạn nhân rơi xuống hố sâu và đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Vụ việc đang tiếp tục được lực lượng chức năng tìm kiếm, điều tra làm rõ.
Không chỉ Bắc Kạn, hiện tượng sụt lún đất bất thường cũng xảy ra tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Ngày 20/5, tại xã Phúc Sơn (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang), xuất hiện một hố sụt đường kính khoảng 1 mét gần tuyến tỉnh lộ ĐT188. Cùng ngày, tuyến quốc lộ 4D qua huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) cũng bị sạt lở nghiêm trọng, làm lún sụt 2/3 mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Tiến sĩ Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, các khu vực xảy ra hiện tượng sập sụt có đặc điểm địa chất là nền đá vôi, đá sét vôi – những loại đá dễ xảy ra quá trình karst hóa (hiện tượng hòa tan đá do nước, đặc biệt là nước mưa mang tính axit nhẹ).
Quảng Cáo
Đặc biệt, tại các vùng có hoạt động đứt gãy kiến tạo kết hợp với dòng chảy nước ngầm, sự hình thành các hang hốc và khe nứt ngầm diễn ra mạnh mẽ. Khi đất đá bị cuốn trôi xuống các khoảng rỗng ngầm, kết cấu mặt đất yếu dần và có thể bất ngờ sập xuống, tạo ra những “hố tử thần”.
Điều kiện thời tiết cũng là yếu tố thúc đẩy nguy cơ sập lún. Mưa lớn kéo dài hoặc việc khai thác nước ngầm quá mức có thể làm thay đổi cấu trúc nền đất. Khi mực nước ngầm hạ thấp, lớp đất và trần hang không còn được nâng đỡ, dẫn đến hiện tượng sụp đổ bất ngờ.
Để phòng ngừa nguy cơ tai biến địa chất, TS. Trịnh Hải Sơn nhấn mạnh:
- Cần khảo sát địa chất chi tiết trước khi tiến hành xây dựng tại các khu vực có nền đá vôi.
- Áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại, như gia cố móng bằng vật liệu nhẹ, thiết kế công trình phù hợp để giảm áp lực lên nền đất yếu.
- Hạn chế khai thác nước ngầm, tăng cường trồng cây xanh để bảo vệ bề mặt và giữ ổn định dòng chảy.
- Trang bị kiến thức nhận biết dấu hiệu sập sụt cho người dân, như hiện tượng lún nền, nứt tường, âm thanh bất thường từ lòng đất…
Thuỳ Như
Quảng Cáo