Nhịp Sống 365 – Mùa cao điểm du lịch hè đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các chiêu trò lừa đảo đội lốt tour giá rẻ. Nhiều người dân đã mất trắng tiền đặt cọc chỉ sau vài cú nhấp chuột, gọi điện hay tin nhắn đặt combo du lịch hấp dẫn.
Chị N.L.H (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại trải nghiệm đặt tour 4 ngày 3 đêm đi Mũi Né với mức giá chỉ 5 triệu đồng/người – được quảng cáo là ở khách sạn 4 sao. Thấy nhiều bình luận tích cực và fanpage có lượng tương tác lớn, chị H yên tâm chuyển khoản 50% để giữ chỗ. Nhưng sau khi nhận được email xác nhận, toàn bộ liên lạc bị cắt đứt: số điện thoại, Zalo bị chặn, fanpage cũng “bốc hơi”.
Quảng Cáo
Tương tự, anh T.M.Q (Cầu Giấy, Hà Nội) từng bị sập bẫy combo du lịch giá sốc cho biết: “Bọn chúng còn lập cả website đầy đủ thông tin, có dấu đỏ giấy phép kinh doanh. Khi gọi video, chúng còn quay văn phòng giả để tăng độ tin cậy. Không ít fanpage giống hệt tên các công ty du lịch lớn, chạy quảng cáo rầm rộ kèm livestream để lừa đảo.”
Một khi khách bị “dụ” chuyển khoản đặt cọc – thường từ 30% đến 50% tổng giá trị tour – các đối tượng ngay lập tức biến mất không dấu vết.

Theo lực lượng công an, hiện tượng mạo danh các đơn vị lữ hành, khu nghỉ dưỡng trên mạng xã hội diễn biến ngày càng phức tạp. Các đối tượng thường dùng fanpage giả có tích xanh, mua tương tác, tạo bình luận ảo và số hotline tư vấn để đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều người bị yêu cầu chuyển lại tiền với lý do “ghi sai nội dung”, nhưng sau vài lần giao dịch, nạn nhân chỉ nhận lại sự im lặng và mất toàn bộ số tiền đã gửi.
Quảng Cáo
Ông Vũ Ngọc Sơn – Trưởng ban Công nghệ thuộc Hiệp hội An ninh mạng quốc gia – cảnh báo: “Điểm chung của các vụ lừa đảo này là đánh trúng tâm lý chuộng giá rẻ và ưu đãi hấp dẫn. Kẻ gian không cần dùng kỹ thuật cao, chỉ cần dựng nên kịch bản hấp dẫn bằng fanpage hoặc web giả, khiến người dùng tự nguyện mắc bẫy.”
Thực tế, không ít người đã có kinh nghiệm đi du lịch vẫn bị lừa. Thậm chí, ngay cả các trang fanpage có dấu tích xanh cũng không bảo đảm độ tin cậy – bởi kẻ xấu có thể mua lại những fanpage thật rồi đổi tên thành công ty du lịch.
Không chỉ dừng lại ở mạng xã hội, các website lừa đảo cũng ngày càng được “đầu tư”. Với vài phút, kẻ gian có thể tạo trang web có giao diện giống hệt các hãng lữ hành uy tín, sử dụng tên miền dễ gây nhầm lẫn như .net, .org, .com.vn để đánh cắp niềm tin người dùng.
Ngoài ra, một hình thức mới là gửi đường link qua Zalo, TikTok, Telegram… kèm lời mời chào khuyến mãi. Khi người dùng nhấp vào, thiết bị có thể bị cài mã độc để chiếm quyền kiểm soát và rút tiền từ tài khoản ngân hàng từ xa.
Ông Sơn cũng cảnh báo thêm về việc nhiều đối tượng lợi dụng lỗ hổng trong quy định xác thực tài khoản doanh nghiệp. Chúng thành lập công ty “ma”, mở tài khoản ngân hàng không yêu cầu sinh trắc học và sử dụng để nhận tiền lừa đảo. Từ ngày 1/7 tới, Thông tư 17 của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực, buộc cả tài khoản doanh nghiệp phải xác thực sinh trắc học – góp phần siết chặt an ninh trong giao dịch tài chính.
Chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên ham rẻ mà chuyển khoản vội vàng. Nên kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp, gọi trực tiếp tổng đài chính thức hoặc đặt vé – phòng qua các nền tảng uy tín. Những fanpage có tương tác cao, tích xanh hay bình luận “khen ngợi” chưa chắc đã là thật.
Mùa du lịch hè là thời điểm nghỉ ngơi, thư giãn – nhưng cũng cần tỉnh táo để tránh biến kỳ nghỉ mơ ước thành cơn ác mộng vì bị lừa mất tiền.
Thuỳ Như
Quảng Cáo