Cảnh giác với hình thức lừa đảo ‘bắt cóc online’: Nhiều người sập bẫy vì tác động tâm lý tinh vi

Nhịp Sống 365 – Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp ghi nhận các vụ việc liên quan đến chiêu trò lừa đảo mới mang tên “bắt cóc online”. Đối tượng giả danh cán bộ công an, gọi điện đe dọa nạn nhân với cáo buộc liên quan đến các vụ án như buôn bán ma túy, rửa tiền… rồi ép họ tự cô lập và chuyển tiền theo yêu cầu.

Tại TP.HCM, công an đã giải cứu thành công em M. (sinh năm 2007) sau khi gia đình nhận được cuộc gọi yêu cầu chuộc con với số tiền 200 triệu đồng. Vì quá hoảng loạn, gia đình đã chuyển tiền nhưng vẫn không liên lạc được với nạn nhân. Chỉ sau 50 phút truy vết, công an phát hiện em M. đang ở một khách sạn tại quận 7 và kịp thời giải cứu.

Quảng Cáo

Một vụ việc khác xảy ra với chị M. (22 tuổi, Đồng Nai). Sau cuộc gọi video qua Zalo, chị bị một nhóm người giả danh công an đe dọa có liên quan đến đường dây ma túy. Do quá sợ hãi, chị M. đã chuyển hơn 800 triệu đồng và bị yêu cầu tự cách ly, không liên lạc với gia đình.

Chị Hiền được Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) giải cứu sau vụ “bắt cóc online”.
Chị Hiền được Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) giải cứu sau vụ “bắt cóc online”.

Chị Hiền, một sinh viên ở Hà Nội, là nạn nhân trong một vụ việc tương tự. Sau khi nhận cuộc gọi từ người tự xưng là công an, chị bị yêu cầu tham gia phòng Zoom, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, xóa mạng xã hội, tháo sim điện thoại và thuê phòng khách sạn để “tránh bị truy vết”.

Kẻ xấu thậm chí còn yêu cầu chị Hiền chụp ảnh chân dung cùng CCCD để gửi về “cơ quan điều tra”. Gia đình chị Hiền nhận được tin nhắn đe dọa và yêu cầu chuộc người với giá 1,5 tỷ đồng. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của Công an quận Hoàng Mai, chị Hiền đã được giải cứu an toàn.

Quảng Cáo

Mẹ con chị M được Công an giải cứu sau vụ “bắt cóc online”
Mẹ con chị M được Công an giải cứu sau vụ “bắt cóc online”

Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, các kịch bản “bắt cóc online” thường được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, nắm đầy đủ thông tin cá nhân của nạn nhân từ trước.

Để phòng ngừa, người dân cần lưu ý:

  1. Cơ quan công an không điều tra hay yêu cầu chuyển tiền qua điện thoại.
  2. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số CCCD, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ.
  3. Khi nhận cuộc gọi nghi ngờ, cần giữ bình tĩnh, ngắt máy ngay và thông báo với người thân hoặc công an.
  4. Phụ huynh, nhà trường cần giáo dục học sinh, sinh viên kỹ năng nhận diện và đối phó với các chiêu trò lừa đảo qua mạng.
  5. Không chia sẻ hình ảnh giấy khen, CCCD hoặc các thông tin cá nhân lên mạng xã hội.

Chiêu trò lừa đảo “bắt cóc online” ngày càng tinh vi, nhắm vào học sinh, sinh viên, phụ huynh – những đối tượng dễ bị thao túng tâm lý. Chỉ khi cảnh giác và chủ động trang bị kỹ năng phòng vệ thông tin, mỗi người mới có thể bảo vệ bản thân và người thân khỏi các hình thức lừa đảo nguy hiểm này.

Thuỳ Như

Quảng Cáo