Nhịp Sống 365 – Nhờ vào việc chú trọng định hướng phát triển các trụ cột, Tổng công ty Vận tải Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có những kết quả ấn tượng về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2024.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 của Tổng công ty Vận tải Đường sắt Việt Nam (VNR) ngày 6/1, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR cho biết: Năm 2024, hành khách đi tàu đạt 7,02 triệu lượt khách, tăng 14,8% so với cùng kỳ; hàng hóa đạt 5,16 triệu tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Quảng Cáo
Doanh thu hợp nhất của Tổng công ty ước đạt gần 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với kế hoạch và 7,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 220 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động ước đạt gần 13 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Dịch vụ mới, sản phẩm mới thu hút thêm khách đi tàu
Năng lực chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam đã được cải thiện sau khi các hạng mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, mở mới các ga (thuộc gói 7.000 tỷ, 3.000 tỷ) được đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ về giảm mức thu nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trong năm 2024 (từ 1/7 đến hết năm 2024) đã giúp Tổng Công ty và các công ty vận tải phục hồi, tăng năng lực cạnh tranh.
Quảng Cáo
Năm 2024, tàu Thống Nhất đi đúng giờ 98,9% (tăng 0,7% so với cùng kỳ). Đến đúng giờ là 88,6% (tăng 15,9% so với cùng kỳ). Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ 98,0% (tăng 1,8% so với cùng kỳ); đến đúng giờ 89,2% (tăng 6,4% so với cùng kỳ). Tình hình an ninh trật tự, an toàn trên tàu, dưới ga cơ bản được giữ vững, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.
Để đạt được sự tăng trưởng này, bên cạnh việc coi trọng hợp tác với các đối tác truyền thống, lâu năm, VNR cũng chủ động đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước, quốc tế nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên với mục tiêu thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển đường sắt.
Quảng Cáo
Với mục tiêu phấn đấu phục hồi vận tải về giai đoạn trước dịch COVID-19, VNR đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng được đánh giá cao, ngày càng thu hút nhiều hành khách sử dụng phương tiện đường sắt như chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung”, tàu thuê nguyên chuyến, chuyến tàu văn hóa trà và du lịch tỉnh Thái Nguyên…
“Đặc biệt, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đây là dấu mốc lịch sử của ngành đường sắt, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của giao thông vận tải đường sắt trong sự phát triển của đất nước,” ông Khánh cho hay.
Ngoài ra, việc hoàn thành hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã đánh dấu sự thay đổi lớn với vận tải đường sắt nhằm tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện vận tải để tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển vận tải đường sắt.
Đưa ra mục tiêu năm 2025, VNR phấn đấu doanh thu hơn 9.407 tỷ đồng, bảo đảm tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 77% trở lên; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025 theo tiến độ đề ra.
Đường sắt cần sẵn sàng đón đầu với tâm thế mới
Khẳng định ngành đường sắt là lĩnh vực giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn trước, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá cao nỗ lực của VNR trong năm qua khi triển khai thực hiện với 3 trụ cột về kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp đường sắt. VNR đã làm tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông giải quyết lối đi tự mở, ban hành kế hoạch cụ thể; chuyển tài sản từ Nhà nước sang VNR quản lý về kết cấu hạ tầng; sự chuẩn bị các dự án đường sắt mới (biên giới, cảng biển, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam) là nền tảng về kết cấu hạ tầng cơ bản cho ngành.
Đối với vận tải, ngành đường sắt có sản lượng tăng cả về hàng hóa và hành khách, dịch vụ đa dạng, nhiều sản phẩm mới như đoàn tàu du lịch, đoàn tàu di sản miền Trung, đoàn tàu charter; chất lượng dịch vụ vận tải tăng cao từ hình ảnh nhà ga. Về công nghiệp đường sắt, VNR đã triển khai nâng cấp cải tạo các đoàn tàu, hợp tác liên doanh liên kết với các doanh nghiệp ngoài ngành đưa vào khai thác các đoàn tàu mới.
Đánh giá cao những kết quả trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, sắp tới ngành đường sắt sẽ bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển mình của dân tộc khi vừa qua Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam. “Đây là thành quả sau 18 năm nghiên cứu và nhận được sự đồng thuận cao của Đảng, Nhà nước ta”, ông Huy nói.
Quảng Cáo
Dự án đường sắt cao tốc khởi công vào năm 2027, khi hoàn thành sẽ bàn giao cho VNR vận hành, khai thác và bảo trì. Vì vậy, ông Huy yêu cầu ngành phải suy nghĩ, có giải pháp cụ thể về nguồn nhân lực để phục vụ dự án này.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT cũng lưu ý VNR cần quan tâm đến phát triển công nghiệp đường sắt. Bộ GTVT sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, nhưng VNR cần xem xét kinh phí, lựa chọn đối tác để liên danh, liên kết và có lộ trình phù hợp.
Quảng Cáo
Quảng Cáo