Nhịp Sống 365 – Các chuyên gia cảnh báo, hiện tượng sụt lún nghiêm trọng tại huyện Na Rì nhiều khả năng liên quan đến hệ thống hang động ngầm dưới lòng đất, khiến công tác cứu hộ và đánh giá địa chất gặp không ít trở ngại.
Theo ghi nhận từ địa phương, hiện tượng “hố tử thần” xuất hiện từ ngày 26/5 tại xã Kim Lư, huyện Na Rì (Bắc Kạn) vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Miệng hố tiếp tục mở rộng, mực nước trong hố dâng cao gây cản trở nghiêm trọng công tác cứu nạn.
Quảng Cáo
Bà Hoàng Thị Thu Nguyệt – Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Na Rì – cho biết, hiện lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân là anh Nguyễn Duy Ph. (36 tuổi, trú xã Kim Hỷ), người đã rơi xuống hố vào tối 26/5 khi điều khiển xe máy lao vào khu vực bị sụt lún. Cấu trúc địa chất phức tạp tại hiện trường, kết hợp với sự hiện diện của các lớp đá vôi và mạch nước ngầm mạnh, khiến công tác tìm kiếm trở nên hết sức khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đáng chú ý, trong quá trình tiếp cận đáy hố, lực lượng cứu nạn phát hiện có sự xuất hiện của nhiều loài cá. Trước đó, chính quyền địa phương từng đổ khoảng 200m³ đá hộc xuống lòng hố để gia cố nền đất nhưng toàn bộ khối đá đã biến mất sau một đêm mà không để lại dấu vết.
Ngoài ra, trong lúc hút nước, một tảng đá lớn có kích thước tương đương một chiếc ôtô bất ngờ bị cuốn trôi xuống đáy, càng củng cố nghi vấn về dòng chảy ngầm hoặc sự liên thông với các hồ nước xung quanh.
Quảng Cáo

TS Nguyễn Ngọc Huy – chuyên gia khí hậu và cảnh báo thiên tai – cho biết hiện tượng sụt lún tại Bắc Kạn có nhiều điểm tương đồng với các hố sụt từng ghi nhận tại Nho Quan (Ninh Bình) năm 2015. Theo ông, khả năng tồn tại hệ thống hang động karst (hang đá vôi bị hòa tan bởi nước) là rất cao. Khi mưa lớn, nước tích tụ trong các hang này tạo áp lực lớn khiến lớp đất đá phía trên bị sập đột ngột.
TS Huy cũng lưu ý việc khoan thăm dò địa chất trong bán kính từ 500m đến 1.000m quanh khu vực hố sụt là cần thiết để xác định chính xác dòng chảy ngầm. Tuy nhiên, nếu không tính toán cẩn trọng, hoạt động này có thể kích hoạt thêm các điểm sụt tiềm ẩn, làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Ở góc nhìn khác, TS Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản – nhận định nguyên nhân sập sụt xuất phát từ địa hình có thành phần đá giàu carbonat như đá vôi, đá sét vôi… Những loại đá này dễ bị hòa tan khi tiếp xúc với nước có tính axit nhẹ, hình thành các hang hốc karst ngầm. Khi những khoảng rỗng này mất khả năng chống đỡ, bề mặt sẽ sụp xuống đột ngột, tạo ra các “hố tử thần”.

Trước thực trạng sụt lún có xu hướng lan rộng, các chuyên gia đề xuất tăng cường khảo sát địa chất khu vực, đánh giá mức độ liên thông ngầm và xác định phương án xử lý triệt để dòng chảy ngầm. Giải pháp tạm thời là sử dụng vật liệu phù hợp để lấp hố và gia cố nền móng, trong khi tiếp tục theo dõi các diễn biến bất thường.
Ngoài ra, việc trang bị cho người dân kiến thức nhận biết dấu hiệu sụt lún là tối quan trọng. Những cảnh báo như nền nhà lún, vết nứt tường, âm thanh lạ từ lòng đất… cần được phổ biến rộng rãi để người dân có thể phản ứng kịp thời trước nguy cơ sập sụt.
Về lâu dài, Việt Nam được khuyến nghị xây dựng hệ sinh thái dữ liệu địa chất số và triển khai công nghệ cảnh báo sớm, giúp chủ động ứng phó với các hiện tượng địa chất nguy hiểm trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Thuỳ Như
Quảng Cáo