Lời xin lỗi trong showbiz Việt: Khi sự chân thành bị thay thế bằng phản xạ

Nhịp Sống 365 – Làng giải trí Việt đang đối mặt với tình trạng “bội thực lời xin lỗi”. Trong vòng hai tháng ngắn ngủi, hàng loạt nghệ sĩ và ê-kíp sản xuất đồng loạt lên tiếng nhận sai. Nhưng điều đáng nói là, càng nhiều lời xin lỗi được công khai, công chúng lại càng trở nên hoài nghi về tính chân thực đằng sau mỗi lần cúi đầu.

Lời xin lỗi vốn dĩ là một biểu hiện văn hóa – nơi người sai thừa nhận trách nhiệm và thể hiện tinh thần cầu thị. Thế nhưng, trong môi trường showbiz Việt hiện nay, nó đang dần bị biến thành một “nghi thức truyền thông”, được lặp đi lặp lại theo khuôn mẫu để xoa dịu dư luận thay vì thực tâm sửa sai.

Quảng Cáo

Cứ vài ngày, mạng xã hội lại chứng kiến một nghệ sĩ lên tiếng nhận lỗi vì hàng loạt lý do: từ phát ngôn gây tranh cãi, quảng cáo sai sự thật đến các bê bối đời tư. Người viết tâm thư dài, người lên sóng livestream giãi bày… Nhưng điều công chúng nhận về ngày càng là sự mệt mỏi hơn là đồng cảm.

Vân Hugo đăng tâm thư xin lỗi vì ồn ào quảng cáo sữa
Vân Hugo đăng tâm thư xin lỗi vì ồn ào quảng cáo sữa

Chỉ trong tháng 3 và 4 năm 2025, showbiz Việt đã chứng kiến một “cơn lũ” xin lỗi từ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Không chỉ dừng ở cá nhân, nhiều ê-kíp sản xuất cũng phải lên tiếng sau loạt vụ việc gây tranh cãi.

Ở lĩnh vực quảng cáo, một số nghệ sĩ như Thùy Tiên, Vân Hugo, Doãn Quốc Đam… bị chỉ trích vì quảng bá sản phẩm liên quan đến sức khỏe thiếu kiểm chứng. Dù sau đó họ đã công khai thừa nhận sơ suất, nhưng hình ảnh cá nhân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Sự thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn nhãn hàng khiến lòng tin của người hâm mộ bị tổn thương.

Quảng Cáo

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều sự kiện nghệ thuật cũng khiến dư luận dậy sóng. Đáng chú ý là vụ việc đoàn phim Âm Dương Lộ sử dụng xe cứu thương thật để chở nghệ sĩ đến buổi công chiếu. Hành động bị cho là phản cảm, thiếu tôn trọng nghề nghiệp và cộng đồng. Mặc dù ê-kíp đã lên tiếng nhận lỗi, nhưng công chúng vẫn không giấu nổi sự thất vọng.

Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ như Á hậu Quỳnh Châu, người mẫu Lê Trung Cương cũng gây tranh cãi khi đăng tải trạng thái than phiền về kẹt xe trong dịp cả nước tổ chức diễu binh, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam. Hành động bị cho là thiếu nhạy cảm với bối cảnh xã hội dù sau đó họ đã nhanh chóng xóa bài và xin lỗi.

Đoàn phim Âm Dương Lộ cũng xin lỗi vì cách PR khó hiểu, gây bức xúc
Đoàn phim Âm Dương Lộ cũng xin lỗi vì cách PR khó hiểu, gây bức xúc

Khi một hành vi sai trái lặp đi lặp lại kèm theo lời xin lỗi mang tính rập khuôn, công chúng dần mất kiên nhẫn. Không ít khán giả cho rằng các nghệ sĩ chỉ đang “làm đúng quy trình truyền thông”, thay vì thể hiện sự ăn năn thực sự. Thậm chí, có không ít lời xin lỗi chỉ dừng lại ở một dòng trạng thái, một đoạn clip, hoặc bài viết định dạng sẵn – thiếu tính cá nhân và cảm xúc chân thành.

Đáng buồn hơn, nhiều trường hợp xin lỗi xong nhưng không có bất kỳ động thái nào chứng minh sự thay đổi. Không kiểm điểm, không sửa sai, không điều chỉnh hành vi – khiến lời xin lỗi trở thành một “chiếc phao” được ném ra trong khủng hoảng, hơn là cánh cửa mở ra con đường cải thiện.

Đã đến lúc nghệ sĩ Việt dẹp bỏ tư tưởng "cứ sai đi vì cuộc đời cho phép"
Đã đến lúc nghệ sĩ Việt dẹp bỏ tư tưởng “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”

Công chúng không đòi hỏi nghệ sĩ phải hoàn hảo. Nhưng họ có quyền kỳ vọng vào sự chỉn chu, trách nhiệm và sự cẩn trọng của những người có sức ảnh hưởng lớn. Một lời quảng cáo, một phát ngôn hay hành vi nhỏ cũng có thể tác động đến hàng triệu người. Vì vậy, thay vì chuẩn bị sẵn “bản nháp xin lỗi”, nghệ sĩ nên xây dựng hệ thống kiểm soát hành vi cá nhân – từ việc lựa chọn nhãn hàng đến lời nói trên mạng xã hội.

Trách nhiệm đi cùng hào quang. Khi bạn là người của công chúng, hành động của bạn không còn chỉ là chuyện riêng. Lời xin lỗi khi đó không phải là dấu chấm hết của scandal, mà là điểm khởi đầu cho quá trình sửa sai, học hỏi và trưởng thành hơn.

Thuỳ Như

Quảng Cáo