Nhịp Sống 365 – Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước những tranh cãi liên quan đến trình độ học vấn của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và Á hậu Phương Thảo. Cả hai mỹ nhân đều vướng nghi vấn “tô vẽ” học vấn, gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Trước đó, Hoa hậu Thùy Tiên từng công bố rằng cô đã tốt nghiệp Thạc sĩ tại một trường đào tạo quản trị du lịch – khách sạn nổi tiếng ở Thụy Sĩ, có tên SHMS University Center. Tuy nhiên, một số người đã đặt nghi vấn về tính hợp lệ của tấm bằng này.
Quảng Cáo
Một trong những vấn đề được nhắc đến là SHMS không phải là một “đại học” theo đúng nghĩa trong hệ thống giáo dục quốc tế, mà được xếp vào nhóm cơ sở giáo dục bậc cao chuyên sâu (Higher Education). Điều này dẫn đến tranh luận rằng liệu Thùy Tiên có thể gọi đây là “bằng đại học” hay không.
Ngoài ra, việc đào tạo chủ yếu theo hình thức trực tuyến cũng khiến một số người đặt câu hỏi về quá trình học tập thực tế của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021.

Cùng vướng phải nghi vấn như Thùy Tiên, Á hậu Phương Thảo cũng bị đặt câu hỏi về việc cô từng công bố “đậu Đại học Harvard”. Thực tế, thông tin cho thấy cô theo học tại Harvard Extension School (HES) – một phân nhánh đào tạo của Đại học Harvard, cung cấp các khóa học bán thời gian, học online và hệ vừa học vừa làm.
Quảng Cáo
Khác với chương trình chính quy của Harvard, HES có tiêu chí tuyển sinh cởi mở hơn, không yêu cầu quy trình xét tuyển gắt gao và không bắt buộc phải trải qua những kỳ thi cạnh tranh khốc liệt như hệ đại học chính thức. Điều này khiến nhiều người hiểu lầm về việc Phương Thảo “đậu Harvard”, trong khi thực tế cô đang theo học một chương trình thuộc nhánh mở rộng của ngôi trường danh tiếng này.
Dù vậy, Á hậu vẫn khẳng định rằng việc theo học tại HES cũng đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể và cô đã hoàn thành ba khóa học trong chương trình Thạc sĩ của mình.

Trước những hoài nghi, Hoa hậu Thùy Tiên chọn cách giữ im lặng. Tuy nhiên, cô nhận được sự bênh vực từ một số cá nhân có uy tín. Cụ thể, TikToker Linda Ngô – một người từng theo học tại SHMS – đã lên tiếng giải thích rằng ngôi trường này liên kết với Đại học Derby (Anh) và cấp bằng có giá trị quốc tế. Theo cô, SHMS không phải là đại học nghiên cứu truyền thống mà chuyên sâu vào đào tạo thực tiễn trong ngành khách sạn và tổ chức sự kiện.
Về phía Á hậu Phương Thảo, cô có phần lấp lửng trong câu trả lời khi chỉ nhấn mạnh rằng chương trình Thạc sĩ mà cô đang theo học có tiêu chí tuyển sinh khác biệt so với hệ đại học chính quy của Harvard. Cách truyền đạt chưa thực sự rõ ràng của cô khiến dư luận tiếp tục tranh cãi về tính chính xác của thông tin ban đầu.
Câu chuyện của Hoa hậu Thùy Tiên và Á hậu Phương Thảo cho thấy, trong thời đại mà mọi thông tin đều có thể được kiểm chứng nhanh chóng trên internet, việc công bố học vấn cần sự minh bạch và chính xác. Những ngôn từ có thể dễ gây hiểu lầm, từ đó tạo ra tranh cãi không đáng có.
Dù có thực sự “phông bạt” học vấn hay không, rõ ràng sự việc lần này là một bài học về cách truyền tải thông tin và sự cẩn trọng khi công khai các thành tích cá nhân trước công chúng.
Thanh Huế
Quảng Cáo