Nhịp Sống 365 – Tháng 6/2025, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, hình ảnh một nam sinh 17 tuổi nằm gầy gò, lặng lẽ gắn liền với máy lọc máu khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đó là Lê Quang Đạt – bệnh nhân trẻ tuổi đang phải chiến đấu với bệnh thận mạn giai đoạn cuối, lọc máu ba lần mỗi tuần để duy trì sự sống.
Đạt được gia đình đưa đi khám khi liên tục kêu mệt mỏi, da xanh, khó tập trung dù không có biểu hiện phù nề hay tiểu ít. Ban đầu, người thân nghĩ rằng cậu học sinh lớp 10 chỉ bị thiếu máu do học hành căng thẳng. Tuy nhiên, kết quả siêu âm khiến cả nhà bàng hoàng: hai quả thận đã teo nhỏ, chức năng thận suy kiệt nghiêm trọng – không thể phục hồi.
Quảng Cáo

Theo chia sẻ từ người nhà, trong nhiều năm, Đạt duy trì thói quen uống nước ngọt có gas hàng ngày, thậm chí có lúc thay nước lọc bằng nước ngọt. Thói quen tưởng chừng vô hại này lại chính là yếu tố góp phần dẫn đến thảm kịch sức khỏe ở tuổi chưa trưởng thành.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hải, Trưởng Đơn nguyên Thận nhân tạo, cho biết: “Đạt không có tiền sử bệnh lý nền. Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo nhưng xét nghiệm cho thấy hai thận đã mất chức năng hoạt động. Đây là tổn thương mãn tính và không thể phục hồi bằng điều trị thông thường”.
Bác sĩ Hải cũng nhấn mạnh: nước ngọt và các loại đồ uống chứa đường, hóa chất tổng hợp có thể gây hại cho mạch máu nuôi thận, làm tăng nguy cơ viêm cầu thận, béo phì, kháng insulin – những yếu tố gián tiếp gây suy thận mạn tính.
Quảng Cáo
Bệnh thận mạn hiện đang có xu hướng trẻ hóa đáng lo ngại. Theo thống kê, ngày càng nhiều thanh thiếu niên phải điều trị lọc máu hoặc chờ ghép thận – điều từng hiếm gặp ở lứa tuổi này. Các chuyên gia cho biết, một phần nguyên nhân đến từ lối sống hiện đại: ăn mặn, tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, lười vận động và dùng thuốc không theo chỉ định.
Đáng lưu ý, bệnh thận mạn thường diễn tiến âm thầm, không gây đau đớn hay triệu chứng rõ rệt. Khi phát hiện thì đã ở giai đoạn nặng, thận teo nhỏ và mất chức năng, không thể hồi phục.
Trường hợp của Đạt là minh chứng rõ nét. Mỗi tuần, em phải đến bệnh viện ba lần, mỗi lần bốn tiếng để lọc máu – biện pháp duy trì sự sống tạm thời trong khi chờ đợi một ca ghép thận phù hợp. Dù còn trẻ, em đã phải đối diện với gánh nặng y tế suốt đời, bao gồm chi phí điều trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch và nguy cơ biến chứng cao.

Tổ chức Y tế Thế giới dự báo đến năm 2040, bệnh thận mạn sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, ước tính có khoảng 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, nhưng phần lớn không biết mình đang mang bệnh.
Giới chuyên môn khuyến cáo: người dân, đặc biệt là giới trẻ, cần chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt. Cụ thể:
-
Hạn chế đồ uống nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn
-
Ăn nhạt, uống đủ nước mỗi ngày
-
Tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng
-
Tránh lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc đông y không rõ nguồn gốc
-
Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là nếu có yếu tố nguy cơ như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì
Bác sĩ Hải nhấn mạnh: “Dù suy thận mạn không thể chữa khỏi, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu phát hiện sớm và thay đổi lối sống kịp thời. Đừng để đến lúc mất thận mới giật mình nhìn lại”.
Quảng Cáo