Nhịp Sống 365 – Ngày 29/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã công bố kết luận sau buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam. Theo đó, quảng cáo sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo có dấu hiệu gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an để tiếp tục làm rõ.
Theo báo cáo gửi Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và UBND tỉnh Đồng Nai, đoàn kiểm tra đã tiến hành rà soát các tài liệu, nội dung truyền thông liên quan đến sản phẩm. Mặc dù kết luận chưa nêu cụ thể sai phạm, nhưng bước đầu đã cho thấy dấu hiệu không minh bạch trong cách Nestlé truyền tải thông tin tới người tiêu dùng. Phía công ty hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Quảng Cáo
Trước đó, ngày 23/5, trong báo cáo tiến độ kiểm tra, Sở Y tế Đồng Nai đã nêu rõ việc cụm từ “được chứng minh giúp trẻ” in trên bao bì sản phẩm Milo là không chính xác và chưa đầy đủ so với nội dung của một nghiên cứu khoa học do Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện. Ngoài ra, vì chưa có kết quả kiểm nghiệm thành phần, nên các cơ quan chức năng chưa thể đưa ra kết luận cụ thể về chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm.
Điểm đáng chú ý là sản phẩm quảng bá có sử dụng tên Viện Dinh dưỡng trên bao bì, khiến người tiêu dùng dễ lầm tưởng rằng đây là sản phẩm được chứng thực toàn diện bởi một cơ quan nghiên cứu uy tín.

Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng, đơn vị này từng phối hợp với Nestlé Việt Nam thực hiện nghiên cứu lâm sàng từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023 trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình. Dù đã nghiệm thu kết quả ở cấp cơ sở, nghiên cứu không ghi nhận cải thiện đáng kể về tình trạng dinh dưỡng hay trí lực sau 3 tháng sử dụng sản phẩm kết hợp với giáo án vận động.
Quảng Cáo
Tuy vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc kết hợp hoạt động thể lực cùng sử dụng sản phẩm có thể giúp cải thiện tố chất thể lực như sức bền, sức mạnh, tốc độ và khả năng vận động linh hoạt ở học sinh. Viện Dinh dưỡng cũng đã gửi văn bản yêu cầu Nestlé rà soát toàn bộ nội dung quảng cáo, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ các thông tin có thể gây hiểu nhầm hoặc sai lệch về kết quả nghiên cứu.
Phản hồi trước đó vào ngày 15/5, Nestlé Việt Nam cho biết họ đã xem xét kỹ các quy định pháp lý trước khi đưa nội dung nghiên cứu lên bao bì và quảng cáo sản phẩm. Công ty cho rằng sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bổ sung, không thuộc diện phải xin phép nội dung quảng cáo theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc trích dẫn nghiên cứu khoa học một cách thiếu đầy đủ và đặt tên Viện Dinh dưỡng lên bao bì có thể khiến người tiêu dùng hiểu nhầm rằng sản phẩm đã được cơ quan này chứng nhận hoặc đảm bảo hiệu quả.
Vụ việc của Nestlé xảy ra trong bối cảnh Bộ Y tế đang đẩy mạnh kiểm tra các sản phẩm tiêu dùng y tế và dinh dưỡng. Từ ngày 22/5, Bộ đã thành lập 15 tổ kiểm tra đột xuất trên toàn quốc, tập trung vào dược phẩm, mỹ phẩm, sữa và thực phẩm chức năng. Đợt kiểm tra dự kiến kéo dài một tháng, nhằm chấn chỉnh tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, đánh lừa người tiêu dùng.
Gần đây, hàng loạt sản phẩm bị phát hiện là hàng giả, hàng kém chất lượng. Không ít người nổi tiếng cũng bị chỉ trích vì quảng cáo thiếu kiểm chứng, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm chức năng và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Thanh Huế
Quảng Cáo