Nhiều hàng quán bất ngờ ngưng nhận chuyển khoản vì lo ngại chính sách thuế mới

Nhịp Sống 365 – Từ ngày 1/6/2025, nhiều cửa hàng, quán ăn và tiểu thương tại một số tỉnh thành bắt đầu từ chối thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Động thái này được cho là nhằm né tránh những rủi ro liên quan đến quy định thuế khoán mới có hiệu lực.

Chị Hà Thanh (40 tuổi, Hải Phòng) thường xuyên đặt cơm gà từ một quán quen gần nhà. Tuy nhiên, khi gọi món như thường lệ vào đầu tháng 6, chị bất ngờ nhận được yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt. Chủ quán giải thích rằng họ tạm ngừng nhận chuyển khoản do lo ngại bị truy thu thuế. Sau một hồi thuyết phục, chị Thanh được cung cấp số tài khoản cá nhân của người khác với lưu ý không ghi nội dung có từ khóa như “mua bán”, “trả tiền”, hay “thanh toán đơn hàng”.

Quảng Cáo

Không riêng trường hợp của chị Thanh, hàng loạt cửa hàng và quán ăn ở nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Nội… cũng áp dụng biện pháp tương tự. Mã QR tại các điểm bán dần biến mất, nhiều nơi thậm chí treo bảng “Không nhận chuyển khoản” ngay trước cửa.

Một cửa hàng bán tạp hóa đề biển không nhận chuyển khoản
Một cửa hàng bán tạp hóa đề biển không nhận chuyển khoản

Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ quy định thuế khoán mới áp dụng từ ngày 1/6. Theo đó, các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm thuộc các lĩnh vực như ăn uống, bán lẻ, vận tải hành khách, giải trí… phải sử dụng hóa đơn điện tử thông qua hệ thống máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Anh Nguyễn Thảo, chủ tiệm tạp hóa tại quận Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết, từ đầu tháng 6, cửa hàng anh chỉ chấp nhận tiền mặt. Dù chưa có văn bản cụ thể, anh lo ngại việc nhận tiền qua tài khoản cá nhân có thể bị xem là doanh thu chính thức, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế 1,5% trên tổng giao dịch. “Doanh thu thật không cao nhưng nếu bị tính thuế trên toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản thì sẽ lỗ”, anh Thảo chia sẻ.

Quảng Cáo

Một số cửa hàng quy mô lớn hơn chấp nhận tiếp tục nhận chuyển khoản nhưng kèm điều kiện khách phải chịu thêm phần phí thuế. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng tỏ ra lúng túng vì thói quen thanh toán không tiền mặt đã phổ biến suốt nhiều năm nay.

Chị Lệ Giang, khách du lịch đến TP Hạ Long, kể lại trải nghiệm khó xử khi bị từ chối thanh toán chuyển khoản tại một quán phở. “Tôi không mang theo tiền mặt, cũng không biết ATM ở đâu. Cảm giác rất bất tiện, trong khi lẽ ra chỉ cần quét mã là xong”, chị nói.

Theo Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang nộp thuế, trong đó gần 2 triệu áp dụng hình thức khoán. Với quy định mới, dự kiến khoảng 37.000 hộ có doanh thu lớn sẽ phải chuyển đổi sang hình thức kê khai theo doanh thu thực tế và sử dụng hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Ngọc Tịnh – Phó Chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM cho biết, việc chuyển đổi sẽ khiến các hộ kinh doanh phải đầu tư thêm thiết bị, phần mềm, đồng thời chịu áp lực trong việc kê khai sổ sách, lập hóa đơn đúng chuẩn. “Nhiều người chưa quen, dễ cảm thấy rối và e ngại vì nghĩ sẽ mất thời gian và chi phí,” ông nhận định.

Nhiều quán không nhận chuyển khoản
Nhiều quán không nhận chuyển khoản

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch HUBA (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), cho rằng đã đến lúc hộ kinh doanh cần thay đổi nhận thức về nghĩa vụ thuế. “Họ ngại lớn vì sợ phức tạp, nhưng hiện nay, nhờ phần mềm và công nghệ, việc kê khai đã đơn giản hơn rất nhiều,” ông nói.

Cùng quan điểm, luật sư Lương Huy Hà (Công ty Luật Lawkey) nhấn mạnh: “Nộp thuế là trách nhiệm. Thay vì tìm cách né tránh, người kinh doanh nên tập trung phát triển doanh thu để đóng thuế một cách minh bạch, bền vững.”

Trong khi đó, nhiều người bán hàng online vẫn tỏ ra thận trọng, chờ thông tin chính thức về cách tính thuế với các giao dịch qua ngân hàng. Chị Lệ Giang, đồng thời là người kinh doanh hàng cao cấp trực tuyến, cho biết chị vẫn nhận chuyển khoản vì lo ngại khách khó chịu nếu chỉ nhận COD. “Chuyển khoản giúp nhanh, an toàn, lại giảm rủi ro thất lạc đơn hàng,” chị chia sẻ.

Rõ ràng, quy định thuế khoán mới đang tạo ra những xáo trộn trong thói quen thanh toán cũng như hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ tại Việt Nam. Việc hỗ trợ chuyển đổi, phổ biến thông tin rõ ràng và xây dựng niềm tin giữa người dân và cơ quan quản lý sẽ là yếu tố then chốt để chính sách mới đi vào cuộc sống hiệu quả.

Thuỳ Như

Quảng Cáo