Nhịp Sống 365 – Những vụ bê bối liên quan đến nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật dường như đang trở thành một vòng lặp không có hồi kết. Từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến các sản phẩm tiêu dùng khác, tất cả đều có thể bị “thổi phồng” quá đà dưới sự bảo chứng của người nổi tiếng.
Khi bị dư luận phản ứng, họ vội vã xin lỗi, hứa rút kinh nghiệm, nhưng chỉ một thời gian sau, câu chuyện lại lặp lại với một sản phẩm khác, một cái tên khác. Điều đáng nói là lời xin lỗi có thực sự đủ để xoa dịu khán giả? Và quan trọng hơn, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn, thay vì chỉ trông chờ vào sự ăn năn muộn màng của nghệ sĩ?
Quảng Cáo
Hàng loạt nghệ sĩ bị tố quảng cáo sai sự thật
Gần đây, Nguyễn Thúc Thùy Tiên – hoa hậu được đông đảo công chúng yêu mến – bị chỉ trích khi quảng bá một loại kẹo rau củ trên livestream cùng Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục. Những thông tin đưa ra khiến khán giả lầm tưởng rằng sản phẩm này có thể thay thế rau xanh nhờ hàm lượng chất xơ cao. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm tại Viện Đo lường Chất lượng Quốc gia cho thấy 30 viên kẹo chỉ chứa 0,51 gram chất xơ – con số quá ít so với nhu cầu dinh dưỡng thực tế.

Sự thật này khiến dư luận dậy sóng, buộc Thùy Tiên phải nhanh chóng lên tiếng xin lỗi và cam kết hoàn tiền cho khách hàng đã mua sản phẩm theo lời quảng bá của cô.
Không chỉ Thùy Tiên, hàng loạt nghệ sĩ Việt khác cũng từng vướng vào lùm xùm quảng cáo. NSND Hồng Vân từng khiến khán giả phẫn nộ khi giới thiệu một loại thực phẩm chức năng có thể “đánh bay” u xơ, u nang mà không cần can thiệp y khoa. Diễn viên Vân Trang cũng bị chỉ trích khi sử dụng những lời lẽ dễ gây hiểu lầm về công dụng của một sản phẩm làm đẹp. Trong khi đó, Nam Thư từng PR cho một dự án tiền điện tử không rõ nguồn gốc, kêu gọi khán giả đầu tư, nhưng sau đó phải vội vàng xóa bài và xin lỗi khi có nghi vấn lừa đảo.
Quảng Cáo
Những vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phản ánh một thực trạng đáng lo ngại: Nghệ sĩ quá dễ dàng nhận quảng cáo mà không kiểm chứng thông tin về sản phẩm. Họ có thể vô tình hoặc cố ý “tô hồng” công dụng để thu hút người mua, bất chấp hậu quả mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

Quảng cáo – Kiếm tiền bằng danh tiếng hay đánh đổi lòng tin?
Với sức ảnh hưởng lớn, nghệ sĩ không chỉ là người làm nghệ thuật mà còn là người dẫn dắt xu hướng tiêu dùng. Một lời giới thiệu của họ có thể tác động đến hàng triệu người, khiến công chúng tin tưởng và sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm. Chính vì thế, khi họ quảng bá một sản phẩm không đúng sự thật, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc mất niềm tin mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu nghệ sĩ có ý thức được trách nhiệm của mình hay chỉ coi quảng cáo là một hợp đồng béo bở? Họ có quyền quảng bá sản phẩm nhưng phải đảm bảo thông tin cung cấp là trung thực. Bởi nếu chỉ xin lỗi và tiếp tục nhận hợp đồng quảng cáo khác, niềm tin của khán giả sẽ bị bào mòn theo thời gian.
Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe?
Theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính từ 60 – 80 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, và từ 120 – 160 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Nếu tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng, người thực hiện quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Tuy nhiên, mức phạt này liệu đã đủ để răn đe? Trong khi những hợp đồng quảng cáo có thể mang lại cho nghệ sĩ hàng tỷ đồng, thì số tiền phạt lại quá nhỏ bé so với lợi nhuận họ thu về. Điều này dẫn đến tình trạng “phạt rồi lại vi phạm”, khiến công chúng không khỏi bức xúc.
Nhằm siết chặt quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng “danh sách đen” các nghệ sĩ vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Những người có tên trong danh sách này có thể bị hạn chế xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Đây có thể là một bước đi cứng rắn, giúp nghệ sĩ cân nhắc kỹ trước khi nhận lời quảng bá sản phẩm.

Xin lỗi rồi sao nữa?
Nếu chỉ dừng lại ở lời xin lỗi, công chúng có quyền đặt câu hỏi: Nghệ sĩ có thực sự nhận thức được sai lầm của mình hay chỉ đang cố gắng xoa dịu dư luận để tiếp tục con đường quảng cáo?
Để thay đổi tình trạng này, nghệ sĩ cần đặt ra nguyên tắc rõ ràng trong việc hợp tác với nhãn hàng. Chỉ nhận quảng cáo khi đã kiểm chứng sản phẩm, sử dụng thực tế và xác minh thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cậy. Họ cần ý thức rằng mỗi lời quảng cáo không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng cá nhân mà còn tác động trực tiếp đến khán giả – những người đã đặt trọn niềm tin vào họ.
Ngoài ra, khán giả cũng cần tỉnh táo hơn trong việc tiếp nhận thông tin quảng cáo. Không phải cứ nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu là sản phẩm đó đáng tin cậy. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, thành phần và công dụng của sản phẩm trước khi quyết định mua hàng.
Bản chất của quảng cáo là tạo niềm tin, nhưng niềm tin nếu bị phản bội quá nhiều lần sẽ trở thành sự hoài nghi. Và khi công chúng quay lưng, không có hợp đồng quảng cáo nào có thể cứu vãn được danh tiếng đã sụp đổ.
Thanh Chúc
Quảng Cáo