Thanh Hóa: Phát hiện đường dây sản xuất 12 loại thực phẩm chức năng giả, giá trị gần 1 tỷ đồng

Nhịp Sống 365 – Ngày 5/6, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin về việc vừa triệt phá một đường dây sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn, liên quan đến nhiều cá nhân và doanh nghiệp tại các tỉnh thành khác nhau.

Đối tượng chủ chốt trong vụ án là Hoàng Thị Ngọc (SN 1988, trú tại Long Biên, Hà Nội), hiện là Giám đốc Công ty TNHH sản xuất tân thảo dược Nam Hoa. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Ngọc, do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Quảng Cáo

Hoàng Thị Ngọc và các sản phẩm chức năng giả
Hoàng Thị Ngọc và các sản phẩm chức năng giả

Từ năm 2020, Hoàng Thị Ngọc bắt đầu quảng bá các loại “thuốc dân tộc Dao” qua tài khoản Facebook “Triệu Thị Hòa”. Qua mạng xã hội, Ngọc kết nối với Nguyễn Thị Hợi (SN 1983, Giám đốc Công ty TNHH Trần Kim Huyền, tỉnh Đắk Lắk). Cả hai thống nhất làm giả thực phẩm chức năng từ các bài thuốc cổ truyền chưa được cấp phép lưu hành.

Theo điều tra ban đầu, Hợi đề xuất thiết kế lại bao bì, tên gọi và mẫu mã để dễ tiêu thụ hơn. Sau khi đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm và công bố giả, Hợi in tem nhãn, còn Ngọc đảm nhận phần sản xuất, đóng gói thành phẩm và chuyển lại cho Hợi bán ra thị trường.

Đáng chú ý, Ngọc giả mạo công thức bào chế bằng cách sử dụng các loại dược liệu tương tự trong Đông y và ghi tên chúng trên nhãn sản phẩm. Đồng thời, đối tượng mua lại kết quả kiểm nghiệm giả từ một số trung tâm tại Hà Nội và Nam Định để hợp thức hóa quy trình công bố sản phẩm.

Quảng Cáo

Các loại sản phẩm chức năng giả đã bán ra thị trường
Các loại sản phẩm chức năng giả đã bán ra thị trường

Từ cuối năm 2020 đến cuối năm 2022, Hoàng Thị Ngọc đã sản xuất số lượng lớn các sản phẩm chức năng theo yêu cầu của Hợi. Đến cuối năm 2022, hình thức sản xuất được thay đổi: Ngọc chỉ cung cấp nguyên liệu ở dạng bán thành phẩm (viên, kem), còn Hợi tự hoàn thiện bao bì và phân phối. Giá bán dao động từ 200.000 đến 750.000 đồng/kg, tùy loại.

Những sản phẩm này tiếp tục được Nguyễn Thị Hằng (SN 1989, Hà Nội), đại lý phân phối chính thức của Công ty Trần Kim Huyền, tiêu thụ đến nhiều địa phương. Trong số các khách hàng có Phạm Thị Toán, trú tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa.

Qua điều tra, ba đối tượng Hợi, Hằng và Toán đã tự nguyện giao nộp hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng giả với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Trong đó có các sản phẩm như: Vương đường huyết đan, Ngọc mẫu hoàng cung, Trinh nữ hoàng cung, Thảo mộc kháng sinh TKH, Anti Gout TKH, Viêm xoang TKH, An Cốt Vương TKH, và nhiều sản phẩm khác.

Kho sản phẩm được phát hiện
Kho sản phẩm được phát hiện

Lực lượng chức năng đang kiểm đếm, giám định lô hàng bị thu giữ và tiếp tục điều tra các hành vi vi phạm pháp luật của những người liên quan. Bước đầu, Công an tỉnh Thanh Hóa xác định đây là vụ án sản xuất – buôn bán hàng giả là thực phẩm có tổ chức, quy mô lớn, kéo dài nhiều năm.

Việc sản xuất và lưu hành thực phẩm chức năng giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là các loại “thuốc gia truyền” không rõ nguồn gốc.

Thanh Huế

Quảng Cáo