Thủ tướng Thái Lan đối mặt làn sóng biểu tình lớn

Nhịp Sống 365 – Ngày 28/6, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường tại thủ đô Bangkok yêu cầu Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra từ chức, sau khi xuất hiện đoạn ghi âm cuộc điện thoại giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Cuộc biểu tình diễn ra tại Đài Tưởng niệm Chiến thắng được xem là đợt tập hợp chống chính phủ lớn nhất kể từ khi đảng Pheu Thai lên nắm quyền năm 2023. Sự kiện do nhóm “Liên minh Quyền lực Nhân dân Bảo vệ Chủ quyền” tổ chức, thu hút hàng nghìn người dân, phần lớn trong số đó là những người từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối các chính phủ trước đây của gia đình Shinawatra.

Quảng Cáo

Theo báo cáo từ cảnh sát Bangkok, đến 15h30, có khoảng 6.000 người tham gia, và con số được dự báo có thể vượt 10.000 người vào buổi tối. An ninh được siết chặt với hàng trăm camera giám sát, máy bay không người lái, đội rà phá bom và chó nghiệp vụ K9 được huy động để đảm bảo trật tự. Ban tổ chức cam kết không cắm trại qua đêm và kết thúc biểu tình vào lúc 21h.

Đoàn người xuống đường biểu tình kêu gọi Thủ tướng Thái Lan từ chức (Ảnh: Bangkok Post).
Đoàn người xuống đường biểu tình kêu gọi Thủ tướng Thái Lan từ chức (Ảnh: Bangkok Post).

Trong khi biểu tình diễn ra, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang công tác tại tỉnh Chiang Rai để kiểm tra tình hình mưa lũ. Bà cho biết đã chỉ đạo các cơ quan an ninh theo dõi sát tình hình và nhấn mạnh tôn trọng quyền biểu tình của người dân. “Tôi không có ý định phản ứng, và sẵn sàng đối thoại nếu nhóm biểu tình mong muốn một cuộc thảo luận ôn hòa”, bà nói.

Tuy nhiên, áp lực đối với bà Paetongtarn không chỉ đến từ đường phố. Một nhóm thượng nghị sĩ đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp và Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia, yêu cầu điều tra tính hợp pháp và đạo đức xung quanh cuộc gọi rò rỉ với ông Hun Sen. Tòa án dự kiến sẽ họp vào tuần tới để quyết định có tiếp nhận vụ việc hay không – điều có thể dẫn tới việc tạm đình chỉ chức vụ của Thủ tướng trong thời gian chờ xét xử.

Quảng Cáo

Viễn cảnh bà Paetongtarn bị lật đổ qua kênh pháp lý đang được đặt lên bàn cân, đặc biệt trong bối cảnh đảng Bhumjaithai – thành viên lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền – đã tuyên bố rút khỏi chính phủ, khiến đảng cầm quyền chỉ còn kiểm soát khoảng 255/495 ghế tại Hạ viện. Dù vẫn còn sự hậu thuẫn từ các đảng nhỏ, tương lai chính trị của vị Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan đang đứng trước thử thách nghiêm trọng.

Đây không phải là lần đầu tiên một thành viên của gia đình Shinawatra đối diện với khủng hoảng chính trị. Trước đó, ông Thaksin Shinawatra và bà Yingluck Shinawatra – cha và cô của bà Paetongtarn – đều bị phế truất thông qua các cuộc đảo chính quân sự.

Du Kỷ

Quảng Cáo