TikToker Mẹ Cua Cốm bị chỉ trích vì quảng bá cao ngựa cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Nhịp Sống 365 – Mạng xã hội những ngày qua không ngừng “dậy sóng” khi TikToker nổi tiếng Mẹ Cua Cốm đăng tải đoạn video quảng bá sản phẩm cao ngựa bạch, khuyên dùng cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên. Vụ việc nhanh chóng vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng mạng và giới chuyên gia y tế.

Mẹ Cua Cốm là biệt danh của một TikToker và Facebooker khá quen thuộc trong cộng đồng nội trợ. Cô sở hữu tài khoản TikTok @bepnhacuacom với hơn 307.000 lượt theo dõi và khoảng 5 triệu lượt thích. Trên Facebook, fanpage mang tên “Mẹ Cua Cốm” thu hút khoảng 240.000 người theo dõi, thường xuyên chia sẻ các video dạy nấu ăn, mẹo vặt gia đình và giới thiệu thực phẩm.

Quảng Cáo

Ban đầu, Mẹ Cua Cốm nhận được nhiều thiện cảm nhờ cách trình bày gần gũi, mộc mạc, chuyên chia sẻ các món ăn dân dã như canh cua, cá hấp, rau xào… Tuy nhiên, thời gian gần đây, cô chuyển hướng sang bán hàng online với nhiều sản phẩm được quảng cáo là “sạch, bổ, phù hợp cho cả gia đình”.

Trên TikTok với tài khoản @bepnhacuacom có khoảng 307.000 người theo dõi và hơn 5 triệu lượt like.
Trên TikTok với tài khoản @bepnhacuacom có khoảng 307.000 người theo dõi và hơn 5 triệu lượt like.

Tâm điểm chỉ trích bắt nguồn từ đoạn video quảng cáo sản phẩm cao ngựa bạch mà Mẹ Cua Cốm đăng tải trên Facebook cá nhân. Trong video, cô liệt kê các đối tượng nên sử dụng sản phẩm này, bao gồm cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, người già và người bị đau nhức xương khớp.

Đặc biệt, lời khuyên “chỉ cần trẻ ăn được cháo là có thể dùng cao ngựa” đã khiến nhiều người phẫn nộ. Không ít ý kiến cho rằng đây là hành động thiếu trách nhiệm khi đưa ra khuyến nghị về thực phẩm liên quan trực tiếp đến trẻ nhỏ – đối tượng cần sự kiểm soát chặt chẽ về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Quảng Cáo

Sau khi vấp phải phản ứng mạnh từ dư luận, Mẹ Cua Cốm đã đăng video giải thích rằng đó chỉ là chia sẻ dựa trên trải nghiệm cá nhân, không nhằm mục đích khuyến khích người xem sử dụng. Cô nhấn mạnh cụm từ mình dùng là “có thể ăn được”, chứ không phải “nên ăn” hay “phải dùng”.

Tuy nhiên, phần đông cộng đồng mạng cho rằng, với lượng người theo dõi đông đảo và vai trò là người bán hàng, phát ngôn của cô mang tính định hướng tiêu dùng rõ ràng, nhất là khi sản phẩm chưa có kiểm chứng y tế và không rõ liều lượng an toàn cho trẻ nhỏ.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc sử dụng cao ngựa cho trẻ em mà không có chỉ định từ bác sĩ có thể gây ra nhiều nguy cơ về sức khỏe như dị ứng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc. Đặc biệt, với các sản phẩm mang danh “gia truyền” và bán trôi nổi trên mạng, việc không rõ nguồn gốc xuất xứ hay quy trình kiểm định càng làm tăng nguy cơ mất an toàn.

Không ít bậc phụ huynh cũng lên tiếng cảnh báo lẫn nhau, kêu gọi cộng đồng mạng tỉnh táo và cẩn trọng khi mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho trẻ thông qua nền tảng mạng xã hội. Sự nhẹ dạ cả tin có thể khiến gia đình và con cái phải gánh chịu hậu quả không lường trước được.

"Em bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn đc cao ngựa là bình thường mà các bác Em nói rất rõ ràng là có thể ăn được Chứ em ko dùng từ khuyến khích dùng..." - Mẹ Cua Cốm giải thích trên Facebook
“Em bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn đc cao ngựa là bình thường mà các bác Em nói rất rõ ràng là có thể ăn được Chứ em ko dùng từ khuyến khích dùng…” – Mẹ Cua Cốm giải thích trên Facebook

Sự việc của Mẹ Cua Cốm một lần nữa cho thấy lỗ hổng trong quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm trên nền tảng số. Nhiều TikToker, KOLs hiện nay lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân để rao bán sản phẩm chưa qua kiểm định, tiếp cận trực tiếp đến hàng triệu người dùng, trong đó có không ít là phụ huynh đang nuôi con nhỏ.

Vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, cần được siết chặt hơn bao giờ hết. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần trang bị kiến thức và thái độ tỉnh táo, không để niềm tin mù quáng dẫn đến hậu quả khôn lường.

Thuỳ Như

Quảng Cáo