Nhịp Sống 365 – Kể từ ngày 1/7/2025, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, phiên dịch bắt buộc phải ký trước sự chứng kiến của công chứng viên và được chụp ảnh, lưu trữ trong hồ sơ công chứng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Công chứng 2024, tất cả những người tham gia ký kết văn bản công chứng như người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch… đều phải ký trực tiếp trước mặt công chứng viên. Hoạt động ký kết này bắt buộc phải được chụp ảnh để lưu trữ trong hồ sơ công chứng, trừ trường hợp người không thể ký hoặc điểm chỉ được.
Quảng Cáo
Ảnh chụp phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe theo Điều 46 Nghị định 104/2025/NĐ-CP: hình ảnh phải nhận diện rõ người ký và công chứng viên, không bị chỉnh sửa, không mờ nhòe, có thể in trên giấy A4 hoặc giấy ảnh chuyên dụng với kích thước tối thiểu 13×18 cm. Trường hợp điểm chỉ thay vì ký, hoặc có nhiều người cùng ký tại một thời điểm hoặc nhiều địa điểm khác nhau, cũng đều phải đảm bảo việc chụp ảnh đúng quy định.

Ngoài ra, nếu các bên liên quan và công chứng viên thấy cần thiết, có thể quay phim lại toàn bộ quá trình ký kết. Dữ liệu hình ảnh và video này sẽ là thành phần của hồ sơ công chứng, chỉ được lưu trữ và sử dụng theo luật định.
Quy định mới cũng được áp dụng cho cả công chứng điện tử, trong đó các thao tác ký điện tử cũng phải được ghi hình theo quy trình bảo mật và lưu trữ của cơ quan công chứng.
Quảng Cáo
Việc siết chặt quy trình xác thực danh tính bằng hình ảnh được đánh giá là cần thiết nhằm hạn chế tình trạng giả mạo giấy tờ, mạo danh người ký trong các giao dịch pháp lý, đồng thời tăng tính minh bạch và an toàn cho các hồ sơ công chứng.
Du Kỷ
Quảng Cáo