Nhịp Sống 365 – Chiều 26/6, với tỷ lệ tán thành lên tới 92,05% (tương đương 440 phiếu), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết quan trọng về miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục công lập, đồng thời hỗ trợ học phí cho nhóm học sinh đang theo học tại trường dân lập, tư thục. Chính sách này sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2025–2026.
Theo nội dung nghị quyết, học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở công lập trên toàn quốc sẽ được miễn toàn bộ học phí. Với học sinh đang theo học tại các trường tư thục, dân lập, mức hỗ trợ học phí sẽ được quyết định bởi HĐND cấp tỉnh, căn cứ theo khung học phí do Chính phủ ban hành và không vượt quá mức thu thực tế của từng cơ sở giáo dục.
Quảng Cáo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, quy định mới đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục và hỗ trợ chi phí học tập phù hợp với điều kiện từng địa phương. Nếu trường dân lập, tư thục có mức thu học phí thấp hơn mức sàn trong khung học phí, địa phương sẽ hỗ trợ đúng bằng mức thu thực tế của trường đó, không để người học bị thiệt thòi.
Bên cạnh chính sách học phí, Quốc hội cũng thống nhất thông qua nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, mạng lưới giáo dục mầm non đã phủ khắp các xã, phường, thôn bản trên cả nước với hơn 15.000 trường và hơn 17.400 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Hằng năm, khoảng 5,1 triệu trẻ được nuôi dưỡng và học tập trong hệ thống mầm non, đạt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo lên tới 93,6%.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận giáo dục mầm non còn đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa và những địa bàn còn khó khăn, nơi vẫn còn gần 300.000 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo chưa được đến lớp. Nghị quyết lần này nhằm giải quyết triệt để vấn đề đó, tạo điều kiện cho trẻ em ở mọi vùng miền được tiếp cận giáo dục công bằng và toàn diện.
Quảng Cáo
Liên quan đến các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, một số ý kiến đề xuất loại khỏi đối tượng phổ cập. Tuy nhiên, theo Chính phủ, việc giữ lại nhóm đối tượng này là cần thiết để đảm bảo không bỏ sót trẻ em người Việt Nam đang theo học tại đây. Dù các cơ sở nước ngoài không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng học sinh vẫn cần được thống kê trong diện phổ cập giáo dục.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí và phổ cập giáo dục mầm non đánh dấu bước tiến quan trọng trong chính sách an sinh giáo dục quốc gia, hướng tới xây dựng một nền giáo dục bình đẳng, chất lượng và bao trùm cho mọi trẻ em Việt Nam. Đây cũng là cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc đầu tư cho tương lai thế hệ trẻ, giảm gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình trên cả nước.
Thanh Huế
Quảng Cáo